Viêm xoang (VX) là một bệnh gặp khá phổ biến ở nước ta. Trẻ em và người trưởng thành đều có thể bị VX, nhưng tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh này cao hơn nhiều so với trẻ nhỏ.
VX có thể gặp quanh năm nhưng mùa đông - xuân thì có số lượng người mắc nhiều hơn, đặc biệt là bệnh VX có liên quan đến dị ứng.
Tại sao bị viêm xoang?
Xoang là một hệ thống xương rỗng thuộc hộp sọ và nối tiếp, liên thông với nhau. Có nhiều xoang như: xoang hàm, xoang trán, xoang bướm và xoang sàn. Có nhiều nguyên nhân gây nên VX như bị viêm nhiễm làm cho sự lưu thông không khí giữa các xoang bị ứ trệ, chất nhầy ở niêm mạc các xoang tiết ra không được lưu thông tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Đối với vi khuẩn thì có một số bình thường sống ký sinh ở trong xoang không gây bệnh, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh (ví dụ do niêm mạc xoang bị tắc nghẽn, bị viêm nhiễm do virút…). Người ta gọi các loại vi khuẩn này là vi khuẩn gây bệnh cơ hội. VX cũng hay gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng (gặp phải thức ăn có tính chất gây dị ứng, phấn hoa, hóa chất, đang bị dị ứng như: mề đay, chàm, tổ đỉa, viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng kéo dài…) làm cho niêm mạc các xoang bị phù nề gây chít hẹp hoặc tắc nghẽn tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển rồi gây bệnh. Người ta cũng gặp VX do bị sâu răng, nhiễm trùng răng, đặc biệt là ở hàm trên; người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng, những người mắc bệnh đường hô hấp mạn tính kéo dài (viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản…). Những người dùng kháng sinh không hợp lý làm cho vi khuẩn kháng lại kháng sinh cũng rất có thể bị VX. Ngoài ra, người ta thấy môi trường sống không trong sạch, khói bụi, khói bếp, khói thuốc lá cũng là những yếu tố thuận lợi dẫn đến VX.
Biểu hiện của viêm xoang
Chúng ta có thể gặp VX cấp tính hoặc VX mạn tính. Về căn nguyên thì VX được chia thành 2 loại chính là VX do nhiễm khuẩn và VX dị ứng. Một số vi khuẩn thường gây VX như: S. pneumoniae, H.influenzae, S. pyogenes, P.aeruginosa hoặc có cả Staphylococcus… Dù là VX thuộc loại gì đi nữa thì giai đoạn đầu có thể có đau đầu, sốt, có khi sốt cao (gặp chủ yếu VX cấp ở trẻ em) nhưng hầu hết là sốt nhẹ, nhất là trong loại VX cấp tính. Đau đầu có thể kéo dài cả ngày lẫn đêm nhưng thường đau nhất là lúc nửa đêm về sáng. Đau đầu tăng lên lúc nửa đêm về sáng là do chất nhầy tiết ra ở niêm mạc xoang bị ứ đọng lại làm tắc nghẽn. Đau nhức vùng hố mắt, thái dương cũng là triệu chứng hay gặp trong VX.
Người bị VX thường bị nghẹt mũi (do mũi bị viêm nhiễm, phù nề), chảy mũi nước và có thể hắt hơi nhiều lần trong ngày, nhất là sáng sớm lúc mới ngủ dậy. Chất tiết ra từ xoang sẽ chảy xuống họng làm người bệnh có cảm giác khó chịu hoặc gây ngứa họng. Nhiều trường hợp VX kèm theo viêm mũi làm cho rối loạn khứu giác như không ngửi được mùi hoặc ngửi không chính xác mùi. VX có thể do sâu răng và khi xoang bị viêm nhiễm do vi khuẩn làm mưng mủ trong xoang và mủ chảy ra ở họng, mũi làm cho hơi thở của người bệnh hôi, khó chịu cho cả người bệnh lẫn người tiếp xúc. Nói chung, khi bị VX thường dễ bị lây lan từ xoang này sang xoang khác do chúng có cấu tạo liên thông với nhau, người ta thường dùng danh từ là viêm đa xoang (có nghĩa là nhiều xoang bị viêm cùng một lúc). Trong các triệu chứng của VX, thường các xoang phía trước bị viêm (xoang hàm, xoang trán, xoang sàn trước…) thì triệu chứng thường rõ rệt hơn viêm các xoang ở phía sau. Những trường hợp VX mạn tính thường làm cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu, hay bị đau đầu ê ẩm. VX cấp tính mà không phát hiện và điều trị sớm, dứt điểm thường chuyển thành VX mạn tính. Hậu quả của VX không được điều trị dứt điểm có thể đưa đến nhiều bệnh nguy hiểm như áp xe não, mờ mắt do viêm thị thần kinh nhãn cầu… Một đặc điểm nữa cũng cần lưu ý là VX rất dễ bị tái phát, nhất là gặp lại những nguyên nhân gây VX từ ban đầu.
Làm gì để phòng bệnh viêm xoang?
Khi đường hô hấp trên không được vệ sinh sạch sẽ thì tạo điều kiện cho các vi khuẩn sống ký sinh và sống phát triển. Vì vậy, cần vệ sinh răng, miệng thật tốt như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, súc họng nước muối sinh lý hàng ngày. Nếu bị viêm họng, viêm amiđan thì cần được điều trị dứt điểm không để bệnh trở thành mạn tính. Ở trẻ nhỏ khi bị viêm VA cần được khám và làm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (nạo VA). Người lớn và trẻ em khi bị sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi, mủ chân răng cần được khám và điều trị không để bệnh trở thành mạn tính rất dễ gây nên VX kèm theo. Những người bị bệnh dị ứng, nhất là bệnh dị ứng có liên quan đến đường hô hấp trên như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, VX dị ứng... cần được khám và điều trị dứt điểm. Mùa lạnh cũng rất cần giữ ấm cổ, không nên tắm nước lạnh. Cần có môi trường sống trong sạch, ra đường nên đeo khẩu trang để tránh bụi bẩn. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào, đặc biệt là những người đang bị viêm họng, VX, viêm mũi.
Nên lưu ý rằng bệnh VX vẫn có thể chữa khỏi được hoàn toàn với điều kiện được khám sớm và điều trị đúng, nhất là được khám và điều trị ở các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có kinh nghiệm. Những người đã được bác sĩ chẩn đoán bị VX có thể xông mũi bằng hơi nước ấm và có thể cho vào đó vài giọt tinh dầu như dầu bạc hà. Hàng ngày nên uống nước vừa đủ để làm loãng chất tiết nhầy dễ lưu thông, tránh ứ đọng. Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì rất có thể bị lệ thuộc thuốc, chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình và dùng trong một thời gian ngắn.
PGS.TS. BÙI MAI HƯƠNG
dao tao seo
Trả lờiXóa